Âm nhạc hiện đại tìm về nguồn cội – Giải pháp bảo tồn hiệu quả

Những “thực đơn” mới

Bài hát Gieo quẻ (sáng tác Khắc Hưng, thể hiện Hoàng Thùy Linh), phát hành đúng ngày 1/1/2022, đến nay đã gần hơn 30 triệu lượt xem trên mạng xã hội Youtube.

Không chỉ ở chủ đề của tác phẩm, khi khai thác một nét đẹp văn hóa đã tồn tại ngàn đời nay của người Việt Nam mỗi dịp Tết đến Xuân về, mà lồng ghép đan xen giữa yếu tố truyền thống và hiện tại trong suốt bài hát, khán giả cảm nhận được rõ nét sự kế thừa sáng tạo từ chất liệu truyền thống như: Tiếng kèn bầu và một số âm thanh tương đồng với màu sắc nhạc cụ dân tộc, nhất là màu sắc của bộ gõ được khai thác góp phần tăng thêm màu sắc dân tộc.

“Em cảm thấy nghe bài Gieo quẻ rất thú vị. Mặc dù tạo hình, trang phục của ca sĩ rất hiện đại, nhưng lại đưa người nghe vào một không gian âm thanh đậm chất Bắc bộ. Chính bài hát này, đã khiến em tò mò và tìm đọc nhiều thêm về phong tục ngày Xuân, cũng như những tác phẩm dân ca, dân gian trước giờ em chưa từng nghe”, Lê Quang Khải, sinh viên năm cuối Đại học Bách khoa chia sẻ.

Nói về ý tưởng tìm về truyền thống trong âm nhạc, ca sĩ Hoàng Thùy Linh cho biết: Tôi nghĩ ngay từ khi được các thầy cô dạy dỗ trong trường, những điều tôi được học, tiếp cận đều là văn hóa Việt Nam. Suy cho cùng, điều đó đẹp muôn đời. Tôi chứng kiến nhiều đàn anh, tiền bối đi trước đã làm tốt và tôi mong mình sẽ là người kế nghiệp, kết nối giữa văn hóa truyền thống và những giá trị đương thời.

READ  Pop-up là gì? Cách chặn Pop-Up trên trình duyệt như thế nào

Có thể nói, trong những năm gần đây, đặc biệt là khoảng thời gian từ năm 2018 trở lại, có nhiều nghệ sĩ cho ra mắt những sản phẩm âm nhạc dành cho công chúng, khai thác chất liệu truyền thống như Linh cũng không phải là hiếm. Chúng ta có Nhà em ở lưng đồi; Xẩm Hà Nội; Tình Đàn; Bống bống bang bang; Bánh trôi nước; Kiều…

Tưởng như hoang đường nhưng lại là sự thật, khi xẩm có thể kết hợp với rap, nhạc điện tử; kèn sona – tuồng, trống – chèo, pí lại kết hợp được với nhạc jazz. Các nghệ sĩ đã mang đến những sản phẩm có sức lan tỏa trong đời sống, đặc biệt thu hút khán giả trẻ. Điều đó, đã góp phần tạo sự phong phú cũng như sôi động trong hoạt động nghệ thuật âm nhạc.

Bảo tồn văn hóa truyền thống cần sự linh hoạt

Có nhiều lý do khiến giới trẻ không mặn mà với âm nhạc dân tộc. Đây là xu thế chung của toàn thế giới, chứ không riêng gì Việt Nam. Khi thời hoàng kim của nhiều loại hình nghệ thuật qua đi, nó sẽ bước vào giai đoạn thoái trào. Thế nhưng, nếu thay đổi cách nghĩ, cách làm theo hướng mới, âm nhạc dân tộc vẫn có chỗ đứng trong thời hội nhập.

Bao năm qua, chúng ta thường bàn nhiều đến bảo tồn văn hóa bằng những phương pháp truyền thống, như phục dựng lại loại hình này, loại hình kia, tổ chức những cuộc thi, tìm cách biểu diễn lưu động hay sân khấu hóa.

READ  Tuổi 1994 Giáp Tuất hợp hướng nào khi xây nhà để hưởng lộc làm ăn

Thế nhưng, phải nhìn nhận thực tế là, những giải pháp này chưa thực sự phát huy hiệu quả cao, bởi vì “khẩu vị” của công chúng hiện nay đã không còn như ngày trước. Thế nên, việc gia giảm, kế thừa các nguyên liệu truyền thống trong món ăn âm nhạc hiện đại lại đã bộc lộ rõ khả năng lan tỏa mạnh mẽ đến với khán giả.

Thế nên, chúng ta cũng cần đổi mới tư duy bảo tồn. Rõ ràng, “nguồn” chất liệu dân gian không khó tìm, nó nằm trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam chúng ta. Việc cần thiết ở đây, là làm thế nào để đánh thức nó trong bộ phận giới trẻ hoạt động sáng tạo âm nhạc.

Xu hướng sáng tác, trình diễn này, được coi là sợi dây kết nối công chúng yêu nhạc hiện đại, với những giá trị âm nhạc truyền thống; không chỉ mang đến diện mạo mới mẻ, mà còn đóng dấu bản sắc Việt cho những sản phẩm âm nhạc đương đại.

Muốn xu hướng này ngày càng phát triển, phụ thuộc rất nhiều vào đội ngũ văn nghệ sĩ. Ở chiều ngược lại, khán giả cũng cần “mở lòng” hơn với âm nhạc truyền thống dân tộc.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, đây là sự chuyển dịch thú vị của đời sống âm nhạc trong những năm gần đây. Sau giai đoạn nhạc Việt tiếp thu một cách rõ ràng với âm nhạc phương Tây, thì việc kết hợp với âm nhạc dân tộc, hay những yếu tố văn hóa truyền thống, văn học kinh điển không chỉ mang đến sự mới mẻ, mà còn mở ra như xu hướng. Nhạc Việt đại chúng mang bản sắc Việt rõ ràng hơn.

READ  Phòng executive là gì? Tiết lộ thông tin thú vị về phòng executive

Để âm nhạc truyền thống trường tồn, bền bỉ như mạch nguồn chảy mãi, thì bản thân nó phải tiếp tục thử nghiệm, đổi mới, kế thừa, sáng tạo, chứ không thể trở thành quá khứ nằm trong các viện nghiên cứu, hoặc luôn luôn trong trạng thái “khẩn cấp được bảo vệ”.