Khỉ – loài vật có nhiều đặc tính giống con người – Báo Đắk Lắk

Khỉ – loài vật có nhiều đặc tính giống con người – Báo Đắk Lắk

Con khỉ là ai

Trong 12 con giáp, khỉ là loài vật tinh khôn, có ngoại hình, bản năng gần giống với người.

Theo thống kê, thế giới có tới 351 loài khỉ, xếp thành 12 họ chính, nằm trong bộ Linh trưởng (Primates). Trong đó, có 62 loài quý hiếm cần được bảo vệ. Chúng thường sống ở núi đá, hang hốc, có cây cao bóng mát, nhất là cây ăn trái. Khỉ là loài động vật ăn tạp, thức ăn là hoa quả, hạt, côn trùng, ấu trùng. Khỉ thích nhất là chuối, còn khoai sắn và ngũ cốc là “cao lương mỹ vị” nên chúng thường là “kẻ trộm có đuôi” quấy phá nương rẫy. Loài khỉ sống thành bầy, mỗi bầy có nhiều đàn, mỗi đàn có từ 20-30 con, gồm nhiều gia đình và nhiều thế hệ. Mỗi bầy có một con khỉ đực đầu đàn, chỉ huy chung mọi sinh hoạt, phân công canh gác, bảo vệ, kiếm thức ăn. Khi kiếm thức ăn về, các gia đình đều chia cho khỉ đầu đàn một phần. Khỉ đầu đàn rất to khỏe và có nhiều vợ. Khi nó già yếu, chết đi, lập tức một con khỉ to khỏe nhất sẽ lên thay thế. Tuổi thọ của loài khỉ trung bình từ 10 – 46 năm. Khỉ cái 3- 4 năm mới sinh nở một lần, mỗi lần sinh một con và khỉ cũng biết “kế hoạch hóa”. Thời thơ ấu của khỉ khoảng 3 năm, rời khỏi vòng tay bố mẹ, khỉ con bắt đầu hòa nhập vào cuộc sống bầy đàn. Mỗi bầy có lãnh thổ riêng, ít khi xâm phạm lẫn nhau.

READ  Móng tay bé có đốm trắng hạt gạo là dấu hiệu của thiếu chất gì?

Khỉ là loài thú cao cấp, cấu tạo cơ thể gần giống với người. Chúng có bộ lông ngắn, gọn gàng, đẹp; 2 tay, 2 chân, có thể di chuyển bằng 3 cách: đi, chạy và leo trèo. Khi di chuyển trên cây, cái đuôi giúp chúng giữ thăng bằng rất tốt. Ngoài việc giữ thăng bằng, cái đuôi còn có chức năng tương tự như bàn tay, giúp chúng leo trèo qua các cành cây. Ngoài mắt, mũi, tai, miệng, hàm răng 32 cái, hai bên khoang miệng khỉ đều có một cái “túi má”- nơi cất giấu tạm thời thức ăn, sau đó nhai lại rồi mới nuốt xuống dạ dày. Hai tay khỉ rất dài, thích nghi với cuộc sống leo trèo. Bàn tay giống người, cũng có móng tay, đầu ngón tay, vân tay khác biệt nhau và cũng hữu ích như bàn tay con người. Ngón cái dài, mềm dẻo, chúng có thể cầm nắm đồ vật, hái lá cây, nhặt thức ăn dễ dàng. Thậm chí, chúng còn có thể dùng tay lấy cái gai ra khỏi lòng bàn chân bị thương. Việc sở hữu một cái mông màu hồng trở thành niềm tự hào của khỉ và chúng sẵn sàng phô trương cho những con khác chiêm ngưỡng.

Loài khỉ có tình đồng loại và tình máu mủ sâu nặng. Chúng nằm co rúc vào nhau khi thời tiết lạnh, chải lông, vạch lông để bắt chấy, rận, nhặt bụi đất cho nhau. Khi một con qua đời, cả đàn khỉ hái lá phủ đầy như một nấm mồ… Khỉ mẹ rất thương con, khi còn nhỏ cho nó ngậm vú suốt ngày. Con ốm đau, khỉ mẹ lo lắng tìm lá, hoa, quả cho ăn. Con chết, có khi khỉ mẹ ôm mãi trong lòng đến khô, cũng có khi khỉ mẹ buồn rầu, ủ rũ rồi lâm bệnh chết theo.

READ  Top 20+ Trăng Lên Đỉnh Núi Trăng Tà Đối Tiếp Câu Sau Thơ Hôm

Loài khỉ có “tiếng nói” riêng. Khi phát ra tiếng rống là chúng dọa nạt kẻ thù. Khi muốn tấn công, cần có sự hỗ trợ của bạn bè, nó kêu phì phì. Khỉ gầm gừ là lúc nó đang lo ngại. Khi chiến thắng, khỉ thường thét lên. Để báo động có thú dữ tới, khỉ kêu the thé. Bị dồn vào thế bí, khỉ rít một tiếng chói tai. Khỉ thông minh và có trí nhớ tốt, biết rút kinh nghiệm về hành động thành công hay thất bại. Khỉ có thể bắt chước, làm theo những động tác xiếc phức tạp như kéo xe, lái môtô, đi xe đạp, đi trên dây, bồng con xay lúa, đóng phim…

Trong y dược học, do có cơ thể, sinh lý gần giống người nên khỉ thường được dùng làm vật thí nghiệm về y dược học, độc chất, ung thư, phẫu thuật, sản xuất vắc-xin chống bại liệt… Ngoài ra, tất cả bộ phận cơ thể của nó đều có thể chế thành thuốc dùng tăng lực, phòng chống và chữa trị nhiều bệnh cho người. Người ta còn đặt tên nó cho một số vị thuốc và dược liệu chữa bệnh như: Cây lông khỉ, cây lá khỉ, cây đười ươi, củ khỉ…

Hồ Thị Thu Hằng