KHÁI NIỆM VÀ QUAN NIỆM VỀ LÝ THUYẾT – DẤN THÂN

Lý thuyết là gì

KHÁI NIỆM VÀ QUAN NIỆM VỀ LÝ THUYẾT

Tô Duy Hợp

1. LÝ THUYẾT (THEORY) LÀ GÌ?

1.1. Định nghĩa khái niệm “Lý thuyết”

Lý thuyết là một hệ thống tư tưởng bao gồm các khái niệm/phạm trù, phán định (phán đoan/nhận định), và quá trình lập luận, như luận kết (suy diễn, quy nạp, loại tỷ) hoặc/và luận chứng (chứng minh, phủ bác) hợp logic nhằm làm sáng tỏ hệ thống đặc trưng, bản chất và các quy luật biến đổi của đối tượng nhất định trong Tự nhiên, Xã hội và Tư duy.

Các thí dụ điển hình về Lý thuyết: 1/ Hệ tiên đề hình học Ơclít, 2/ Hệ nguyên lý cơ học Niutơn, 3/ Lý thuyết vật lý tương đối tính của Einstein, 4/ Lý thuyết tiến hoá sinh vật của Darwin, 5/ Lý thuyết hình thái kinh tế – xã hội của Marx, 6/ Lý thuyết chức năng xã hội của Durkheim, 7/ Lý thuyết hành động xã hội của Weber, v. v…

Như vậy, Lý thuyết thuộc phạm trù Tư duy, Lý trí, Lý tính, Tinh thần mang tính hệ thống, phức hợp. Rõ ràng, những thứ sau đây không thuộc phạm trù “Lý thuyết”: 1- Trực quan cảm tính, 2- Xúc cảm, tình cảm, 3- Ý chí, 4- Đức tin, tâm linh tôn giáo, 5- Kinh nghiệm, 6- Thực nghiệm, 7- Thực tiễn, 8- Thực tế xã hội, văn hóa, 9- Thực tại vật lý, vật chất.

1.2. Cấu trúc của Lý thuyết

Phần cấu trúc riêng của một Lý thuyết bao gồm 2 thành phần chủ yếu: 1/- Cơ sở riêng của Lý thuyết; phần này bao gồm các thành tố như: 1.1/- Các khái niệm cơ bản, 1.2/- Các tiên đề hay các nguyên lý, 1.3/- Các nguyên tắc, quy tắc logic biện luận và 2/- bao gồm cả quá trình triển khai hệ thống lý thuyết; phần này bao gồm các thành phần như: 2.1- Các hệ quả lý thuyết, 2.2- Các Lý thuyết chuyên biệt, 2.3- Các ứng dụng lý thuyết trong các lĩnh vực đối tượng khác nhau của Tự nhiên, Xã hội và Tư duy.

Như vậy, Cấu trúc riêng đầy đủ (hoàn chỉnh) của một Lý thuyết phải có 3 thành phần: 1/- Lập Thuyết (Xác lập cơ sở riêng của Lý thuyết), 2/- Luận Thuyết (Xác định Logic biện luận và tiến hành luận thuyết), 3/- Dụng Thuyết (Triển khai vận dụng Lý thuyết trong phạm vi sức mạnh và khả năng của Lý thuyết đó).

Cấu trúc mở rộng của một Lý thuyết bao gồm cấu trúc riêng của Lý thuyết và 2 thành phần bổ sung khác làm Nền tảng cho Lý thuyết, đó là: 1/- Cơ sở thực tiễn của Lý thuyết (bao gồm cả kinh nghiệm thông thường và thực nghiệm khoa học) và 2/- Cơ sở Lý thuyết của Lý thuyết (thực chất là Siêu lý thuyết của Lý thuyết đã cho, chẳng hạn như Cơ sở Triết học của các Lý thuyết xã hội học).

1.3. Các chức năng của Lý Thuyết

Lý thuyết có một số chức năng quan trọng sau đây:

1/ Chức năng nhận thức (tư duy, nghiên cứu) như: 1.1/ Hệ thống hóa tri thức (Mô tả đối tượng, Phân loại đối tượng,…), 1.2/ Giải nghĩa (hiểu đối tượng) hay Giải thích (Làm rõ nguồn gốc, nguyên nhân, nhân tố tác động hoặc ảnh hưởng đến đối tượng), 1.3/ Tiên đoán hay Dự báo (xu hướng biến đổi tất yếu của đối tượng), 1.4/ Đánh giá (thực trạng, hiệu quả,…)

2/- Chức năng định hướng hành động như: 2.1/ Chỉ đạo (Kim chỉ nam), 2.2/ Tư vấn (Gợi ý, Gợi mở), 2.3/ Điều chỉnh hoặc Thay đổi hành vi .

5ết luận lôgích

1.4. Phân biệt Lý thuyết với các hệ thống Tư tưởng khác

Cần phân biệt “Lý thuyết” (“Theory” trong Triết học và trong Khoa học) với “Học thuyết” (“Doctrine” trong Triết học và trong Tôn giáo) và với “Ý thức hệ” (“Ideology” trong lĩnh vực Tư duy chính trị, xã hội). Dưới đây là một số cách phân biệt giữa các khái niệm quan trọng nêu trên:

BẢNG 1

So sánh sự khác biệt giữa Lý thuyết và Học thuyết

Doctrine (Học thuyết)[1] Theory (Lý thuyết) 1- Tự quy chiếu 1- Quy chiếu vào bản thân và ngoại giới 2- Đóng kín kiểu cố chấp (phụ thuộc – sinh thái yếu) 2- Mở ra bên ngoài (phụ thuộc – sinh thái mạnh) 3- Hạt nhân cứng vô cảm trước thực nghiệm 3- Hạt nhân cứng chống lại thực nghiệm 4- Vị thế đầu tiên thuộc về cố kết nội bộ 4- Vị thế đầu tiên thuộc về tổng hợp logic/ thực nghiệm (luận lý) 5- Độ cứng nhắc các liên hệ giữa các khái niệm 5- Tính tất yếu logic của các liên hệ giữa các khái niệm 6- Tự tái sinh từ cơ sở riêng 6- Tái sinh từ bản thân và ngoại giới 7- Miễn nhiễm cực mạnh (chỉ chấp nhận điều khẳng định) 7- Miễn nhiễm (chỉ bác bỏ điều không xác thực) 8- Chối bỏ mọi phê phán 8- Chấp nhận có điều kiện các phê phán 9- Nguyền rủa, bài xích 9- Dũng cảm trong bút chiến, tranh luận 10- Chủ nghĩa giáo điều 10- Mềm dẻo 11- Chủ nghĩa duy tâm 11- Chủ nghĩa kinh nghiệm 12- Chính thống/Chân lý tuyệt đối & độc nhất 12- Tự- chính thống (hành xử theo nguyên tắc của mình) 13- Tự siêu thăng, tự thần linh hóa, tự thần hóa 13- Tự tập trung hóa

Nguồn: Edgar Morin , 2007. Phương pháp 4. Tư tưởng. Nơi cư trú, cuộc sống, tập tính,

tổ chức của tư tưởng. Nxb ĐHQG Hà nội. Hệ thống tư tưởng, tr. 284.

BẢNG 2

So sánh sự đồng nhất/khác biệt giữa Lý thuyết và Ý thức hệ

* Những điểm khác nhau

Ideology (Ý thức )[2] Social Theory (Lý thuyết xã hội) 1. Đưa ra những điểm chắc chắn hoàn toàn 1. Hiểu biết thông qua trao đổi và có điều kiện 2. Đã có tất cả các câu trả lời 2. Chưa hoàn thành, nhìn nhận là có thể thay đổi 3. Không thay đổi, bảo thủ, đã hoàn tất 3. Tăng trưởng, không bảo thủ, mở rộng 4. Tránh việc kiểm tra, các kết quả không thống nhất 4. Cho phép kiểm tra, chấp nhận các chứng cứ tích cực/tiêu cực 5. Không chấp nhận các chứng cứ trái ngược 5.Thay đổi dựa vào chứng cứ 6. Giam giữ trong niềm tin đạo đức riêng 6. Quan điểm đạo đức không liên quan và đứng riêng 7. Rất thiên vị 7. Xem xét tất cả các mặt một cách không thiên vị 8. Không có sự nhất quán, có nhiều điểm mâu thuẫn 8. Theo đuổi tính hợp lý 9. Nảy sinh từ hoàn cảnh cụ thể 9. Vượt qua các quan điểm của xã hội

READ  LUV là gì? Ý nghĩa và cách sử dụng từ LUV trên Facebook

* Những điểm giống nhau

1- Bao gồm các giả định hay định đề xuất phát

2- Giải thích xã hội như thế nào, tại sao nó thay đổi, và nó thay đổi như thế nào?

3- Đưa ra một hệ thống các quan niệm/khái niệm

4- Chỉ rõ mối quan hệ giữa các khái niệm, nói rõ cái gì gây ra cái gì?

5- Cung cấp hệ thống các quan niệm có liên quan với nhau.

Nguồn: W. Lawrence Neuman, 1997. Các phương pháp nghiên cứu XHH (Nghiên cứu định tính & định lượng).University of Wisconsin at Whitewater. USA.

Viện XHH & TLLĐQL, HVCTHCQGHCM dịch & giới thiệu, 2005, tr. 46-47.

1.5. Về phân loại Lý Thuyết

Theo hình thái ý thức xã hội ta có thể phân các Lý thuyết ra thành 2 loại hình lớn: 1/ Các Lý thuyết khoa học (bao gồm, các Lý thuyết khoa học tự nhiên; Lý thuyết khoa học xã hội và nhân văn; các Lý thuyết khoa học kỹ thuật và công nghệ; các loại Lý thuyết chuyên ngành hoặc liên ngành khoa học; …); 2/ Các Lý thuyết triết học (bao gồm, các loại Chủ nghĩa duy vật; các loại Chủ nghĩa duy tâm; các Lý thuyết triết học biện chứng; các Lý thuyết triết học siêu hình; …); 3/ Các Lý Thuyết hỗn hợp triết học và khoa học (bao gồm các Lý thuyết triết học khoa học như Triết học thực chứng, Triết học mácxít; các Lý thuyết khoa học triết học như Phép biện chứng duy vật, Logic học, …).

Theo đặc điểm, phạm vi đối tượng và đặc thù phương pháp người ta phân các Lý Thuyết ra thành 3 loại hình cơ bản: 1- Thực tại luận (Ontology), quen được gọi là Bản thể luận; tuy nhiên gọi như thế là không chính xác, bởi vì Thực tại luận không chỉ bao gồm Bản thể luận (Substantialism), tức là Lý luận về cơ sở hay nền tảng của tồn tại mà còn bao gồm cả Bản chất luận (Essentialism), tức là Lý luận về những đặc trưng cơ bản của sự vật, hiện tượng; 2- Nhận thức luận (Epistemology) là Lý luận về nhận thức, tức là về nguồn gốc, bản chất, con đường nhận thức chân lý khách quan; và 3- Phương pháp luận (Methodology) là Lý luận về các phương pháp (cách tiếp cận, các kỹ thuật thao tác) của nhận thức và hành động thực tiễn[3].

Theo mức độ khái quát hóa ta có thể phân các Lý thuyết ra thành: 1/- Các Lý thuyết tổng quát, nền tảng và 2/- Các Lý thuyết chuyên biệt, cụ thể và 3/- Các Lý thuyết trung gian (tầm trung bình).

Theo Marthijnj Kalmijn (1991) thì trong tư duy lý luận có 4 cấp độ lý thuyết sau đây: 1/Khung lý thuyết, 2/- Lý thuyết chung, 3/Lý thuyết riêng tầm trung bình, 4/- Khái quát hóa dữ liệu thực nghiệm (W. Lawrence Neuman, 1997: 67).

BẢNG 3

Các khía cạnh của Lý Thuyết xã hội (W. L. Neuman, 2005: 70)

Hướng tiếp cận Cấp độ thực tế Chung/

Riêng

Cách giải thích Mức độ trừu tượng Khung lý thuyết XHH[4] 1. Quy nạp

2. Diễn dịch

1. Vi mô

2. Vĩ mô

1. Riêng

2. Chung

1. Diễn giải

2. Nhân quả 3. Cấu trúc

1. Khái quát hóa thực nghiệm

2. Tầm trung

3. Khung

lý thuyết

1. Tương tác biểu tượng

2. Trao đổi

3. Chức năng – cấu trúc

4. Xung đột

Nguồn: W. Lawrence Neuman, 1997. Các phương pháp nghiên cứu XHH ( Ngiên cứu định tính & định lượng). University of Wisconsin at Whitewater. USA. Viện XHH & TLLĐQL, HVCTHCQGHCM dịch & giới thiệu, 2005, tr. 70.

2. CÁC PHƯƠNG THỨC KIẾN TẠO LÝ THUYẾT

Một Lý thuyết có thể được xây dựng bằng nhiều cách thức khác nhau; chung quy lại có 2 cách cơ bản:

1- Khái quát hóa kinh nghiệm (dân gian hay thông thường) hoặc khái quát hóa các dữ liệu thực nghiệm khoa học chủ yếu bằng con đường logic quy nạp (ngoại suy) để có Lý thuyết. “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về Tự nhiên và Xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”[5]. Các thí dụ điển hình như: Lý thuyết địa tâm của Ptôlêmê, Lý thuyết tiến hóa sinh vật của Đácuyn, Lý luận về hợp tác xã của Hồ Chí Minh…

2- Phương thức xây dựng Lý thuyết mới từ Lý thuyết sẵn có, bao gồm:

2.1- Xây dựng Lý thuyết chuyên biệt, cụ thể bằng con đường logic suy diễn (nội suy) từ một Lý thuyết tổng quát, trừu tượng hơn. Chẳng hạn như từ Lý thuyết hình thái kinh tế – xã hội (Lý thuyết xã hội tổng quát, trừu tượng) của K. Marx người ta đã xây dựng Lý thuyết hình thái kinh tế – xã hội xã hội chủ nghĩa đối lập với Lý thuyết hình thái kinh tế – xã hội tư bản chủ nghĩa (với tư cách là các Lý thuyết xã hội chuyên biệt, cụ thể).

2.2 – Xây dựng Lý thuyết chuyên biệt, cụ thể bằng con đường logic loại suy hay loại tỷ (tương tự, đồng dạng, đồng cấu) từ một Lý thuyết của một lĩnh vực khác. Các thí dụ điển hình như: Lý thuyết hành tinh nguyên tử của N. Bohr, Lý thuyết chức năng xã hội của E. Durkheim, ….

2.3 – Phương thức phê phán, vượt qua hạn chế của Lý thuyết nền tảng cũ bằng cách đề xuất Giả thuyết nền tảng mới và tìm cách biến Giả thuyết mới đó thành Lý thuyết nền tảng mới vượt qua hạn chế của Lý thuyết nền tảng cũ đã cho. Chẳng hạn như A. Enstein đã phê phán hạn chế của Lý thuyết vật lý học cổ điển của Niutơn và đã đề xuất Giả thuyết vật lý tương đối tính, về sau đã biến Giả thuyết mới[6] đó thành Lý thuyết vật lý học phi cổ điển – Lý thuyết vật lý tương đối tính của Enstein; hay như K. Marx đã phê phán hạn chế của Triết thuyết duy tâm biện chứng Hegel cũng như của Triết thuyết duy vật siêu hình Feuerbach và xây dựng Triết thuyết biện chứng duy vật vượt qua được những hạn chế của Chủ nghĩa duy tâm biện chứng Hegel và cả của Chủ nghĩa duy vật siêu hình Feuerbach; …

Lý thuyết khinh – trọng do Tô Duy Hợp và Cộng sự kiến tạo được hình thành bằng con đường kết hợp 2 phương thức chủ yếu: Một mặt, tiến hành tổng – tích hợp hạt nhân hợp lý của các kinh nghiệm khinh – trọng và của các Lý thuyết sẵn có, tuy không có diễn ngôn khinh – trọng dưới dạng tường minh nhưng xét về thực chất đã có quan điểm khinh – trọng và Mặt khác, đề xuất Giả thuyết khinh – trọng dưới dạng phổ quát, phổ dụng rồi cố gắng biến Giả thuyết nền tảng mới đó thành Lý thuyết nền tảng mới thông qua 3 bước cơ bản: 1- Lập Thuyết khinh – trọng; 2- Luận Thuyết khinh – trọng và 3- Dụng Thuyết khinh – trọng.

READ  4 cách làm bánh Trung thu dẻo truyền thống đơn giản dễ làm

BẢNG 4

So sánh 3 khung mẫu logic của Tư duy đương đại

Logic hình thức

(Formal Logic, Aristotle)

Logic biện chứng

(Dialectical Logic, Hegel – Marx)

Logic khinh – trọng

(Khinhtrongist Logic,

Tô Duy Hợp & Cộng sự)

1. Thừa nhận tính cô lập của mọi sự vật, hiện tượng 1. Thừa nhận tính liên hệ phổ biến của các sự vật, hiện tượng 1. Thừa nhận tình trạng đối/hợp khinh – trọng giữa tính cô lập hoặc/và tính liên hệ 2. Thừa nhận tính bất biến tương đối của mọi sự vật, hiện tượng 2. Thừa nhận tính biến hoá của mọi sự vật, hiện tượng 2. Thừa nhận tình trạng đối/hợp khinh – trọng giữa tính bất biến hoặc/và tính khả biến của mọi sự vật, hiện tượng 3. Thừa nhận quy luật đồng nhất của mọi sự vật, hiện tượng 3. Thừa nhận quy luật thống nhất trong đa dạng của mọi sự vật, hiện tượng 3. Thừa nhận tình trạng đối/hợp khinh – trọng giữa quy luật đồng nhất hoặc/và quy luật thống nhất đa dạng 4. Thừa nhận quy luật phi mâu thuẫn logic hình thức 4. Thừa nhận quy luật mâu thuẫn biện chứng giữa các mặt đối lập 4. Thừa nhận tình trạng đối/hợp khinh – trọng giữa quy luật phi mâu thuẫn hình thức hoặc/và quy luật mâu thuẫn biện chứng 5. Thừa nhận quy luật bài trung, nghĩa là không có cái thứ ba giữa hai thái cực 5. Thừa nhận quy luật chấp trung, nghĩa là có vô số thể trạng trung gian giữa hai thái cực 5. Thừa nhận tình trạng đối/hợp khinh – trọng giữa quy luật bài trung hoặc/và quy luật chấp trung, nghĩa là chiết trung 6. Thừa nhận quy luật nhân – quả tuyến tính, đơn tuyến, một chiều 6. Thừa nhận quy luật nhân – quả phi tuyến tính, đa tuyến, đa chiều 6. Thừa nhận tình trạng đối/hợp khinh – trọng giữa nguyên nhân và kết quả; chú trọng quá trình hồi quy tạo ra mạch vòng nhân – quả 7. Giá trị chân lý là cố định

– Logic hình thức truyền thống, cổ điển thừa nhận tính lưỡng trị chân lý (chân thực – giả tạo, đúng đắn – sai lầm) của khái niệm, phán đoán và lập luận

– Logic hình thức hiện đại, phi cổ điển thừa nhận tính đa trị chân lý: giữa hai thái cực (chân – giả, đúng – sai) là tập hợp vô số giá trị chân lý trung gian, cố định

7. Giá trị chân lý luôn biến đổi

– Logic biện chứng truyền thống, cổ điển thừa nhận tính đa trị chân lý: giữa hai thái cực (chân – giả, đúng – sai) có vô số các giá trị trung gian và thừa nhận quan điểm chân lý là quá trình biện chứng hướng tới giá trị chân thực, đúng đắn

– Logic biện chứng hiện đại, phi cổ điển thừa nhận tính tương đối của quan hệ chân lý (chân – giả, đúng – sai) và tính quá trình của giá trị chân lý

7. Thừa nhận tình trạng đối/hợp khinh – trọng giữa tính lưỡng trị chân lý hoặc/và tính đa trị chân lý; tính tuyệt đối của chân lý hoặc/và tính tương đối của chân lý; tính bất biến hoặc/và tính quá trình của chân lý 8. Các lược đồ tư duy logic như quy nạp, diễn dịch, loại tỷ, chứng minh, phủ bác, phân tích, tổng hợp, trừu tượng hoá, cụ thể hoá, v.v… có thể thao tác tách biệt

– Toán học hóa các thao tác logic hình thức để đạt chuẩn định lượng chính xác, chặt chẽ

8. Không cho phép tách biệt các lược đồ tư duy hợp thành các cặp biện chứng, yêu cầu kết hợp các lược đồ quy nạp và diễn dịch, chứng minh và phủ bác, phân tích và tổng hợp, trừu tượng hoá và cụ thể hoá, v.v… trong chu trình biện chứng của tư duy

– Thao tác toàn đồ bằng các lược đồ biện chứng đối tượng như tam đoạn thức biện chứng (chính đề – phản đề – hợp đề), chu trình biện chứng đi từ trừu tượng đến cụ thể

8. Toàn đồ khinh – trọng & trọng – khinh toàn đồ theo các khung mẫu phân biệt/không phân biệt, điều chỉnh/không điều chỉnh, thay đổi/không thay đổi khinh – trọng khi thấu hiểu và hóa giải các đối/hợp (như đối/hợp khái niệm, song đề quan điểm kinh nghiệm hoặc song đề quan điểm lý thuyết, đối/hợp giữa các tình trạng thực tế khách quan)

  1. SIÊU LÝ THUYẾT (METATHEORY)

Quan hệ giữa Lý thuyết (Theory) và Siêu Lý thuyết (Metatheory) có 2 ý nghĩa:

i- Siêu lý thuyết là Lý thuyết chung, trừu tượng; còn Lý thuyết là Lý thuyết riêng, cụ thể về cùng một đối tượng. Chẳng hạn như trong Chủ thuyết mácxít thì Chủ nghĩa DVBC là Siêu Lý thuyết của Chủ nghĩa DVLS, đến lượt nó, Chủ nghĩa DVLS là Siêu Lý thuyết của Lý thuyết hình thái kinh tế – xã hội, và Lý thuyết hình thái kinh tế – xã hội tổng quát là Siêu Lý thuyết của Lý thuyết hình thái kinh tế – xã hội TBCN, …

ii- Siêu Lý thuyết là nghiên cứu lý thuyết đặt cơ sở lý thuyết cho Lý thuyết, như đặt cơ sở triết học cho các Lý thuyết khoa học cụ thể hay đặt cơ sở toán học cho các Lý thuyết khoa học tự nhiên và kỹ thuật; nghiên cứu đánh giá lý thuyết theo các tiêu chí như chân thực/giả tạo, đúng đắn/sai lầm, phù hợp/không phù hợp, khả dụng/không khả dụng, …

Nghiên cứu siêu lý thuyết có 3 mục tiêu khác nhau hoặc có thể đồng thời hướng tới, đó là:

a- nhằm thấu hiểu một Lý thuyết sẵn có

b- nhằm đặt cơ sở cho một Lý thuyết đã có sẵn

c- nhằm xây dựng một Lý thuyết mới vượt qua Lý thuyết đã cho

Dù là mục tiêu nào đi nữa thì các nghiên cứu siêu lý thuyết đều phải quan tâm đến các chủ đề/vấn đề sau:

(1)- Nội dung của Lý thuyết

(2)- Cấu trúc của Lý thuyết

READ  24 Cách Chụp Ảnh Selfie Đẹp, Kiểu Tạo Dáng Chụp Tự Sướng

(3)- Chức năng của Lý thuyết

(4)- Cơ sở thực nghiệm/thực tiễn của Lý thuyết

(5)- Cơ sở lý thuyết của Lý thuyết

(6)- Đánh giá Lý thuyết

(7)- Vận dụng Lý thuyết

(8)- Lịch sử Lý thuyết

(9)- Kiến tạo Lý thuyết

(10)- Phát triển Lý thuyết

(11)- Quan hệ giữa Lý thuyết và Phương pháp, Lý thuyết và Kinh nghiệm, Lý thuyết và Thực tiễn, Lý thuyết và Thực tại

(12)- Quan hệ giữa các Lý thuyết

Có ít nhất 10 tiêu chuẩn đánh giá một lý thuyết sau đây:

1/- Tính khái quát

2/- Quy mô

3/- Đánh giá giả thuyết

4/- Hình thức hoá

5/- Tiên đề hoá

6/- Quan hệ với các Lý thuyết khác

7/- Khả năng dự báo

8/- Khả năng thông báo

9/- Khả năng tái hiện

10/- Khả năng thành công[7]

BẢNG 5

So sánh 3 khung mẫu siêu lý thuyết trong Tư duy đương đại

Quan điểm

biện chứng (Dialectics, Hegel – Marx)

Quan điểm tư duy

phức hợp (Complex Thinking, E. Morin)

Quan điểm lý thuyết

khinh – trọng (Khinhtrongism,

Tô Duy Hợp & Cộng sự)

1. Liên hệ phổ biến 1. Dialogique (Logic kép, đối/hợp logic) 1. Thuộc tính khinh – trọng

và trọng – khinh thuộc tính

2. Biến hóa, phát triển 2. Récurcif (phản hồi, hồi quy) 2. Quan hệ khinh – trọng

và trọng – khinh quan hệ

3. Mâu thuẫn biện chứng (thống nhất và ‘‘đấu tranh’’ giữa các mặt đối lập) 3. Hologrammtique (toàn ảnh, toàn hình, toàn đồ) 3. Biến đổi khinh – trọng

và trọng – khinh biến đổi

4. Lượng đổi dẫn tới chất đổi và ngược lại 4. Khung mẫu mạch vòng nhân quả 4. Lựa chọn khinh – trọng

và trọng – khinh lựa chọn

5. Phủ định của phủ định biện chứng 5. Khung mẫu toàn đồ phức hợp 5. Toàn đồ khinh – trọng

và trọng – khinh toàn đồ

6. Chân lý là quá trình biện chứng 6. Chân lý là quá trình phức hợp 6. Chân lý khinh – trọng

và trọng – khinh chân lý

[1] “Doctrine” ở đây nên dịch là “Học thuyết”. Trong sách tham khảo này người ta dịch là “Chủ thuyết”; nhưng như thế là không hợp lý, vì Lý thuyết cũng có thể đóng vai trò là Chủ thuyết.

[2] “Ideology” thường được dịch ra là “Hệ tư tưởng”; tuy nhiên để tránh nhầm lẫn với “Hệ thống tư tưởng” (bao gồm nhiều hình thức biểu hiện như “Doctrine”, “Ideology”, “Theory”) ta nên dịch ra là “Ý thức hệ”.

[3] Xem, chẳng hạn, Tony Bilton, Kenvin Bonnett, Philip Jones, Michelle Stanworth, Ken Sheard, Andrew Webster, 1993. Nhập môn Xã hội học. Nxb KHXH. Hà nội. Tr. 446. Các tác giả đã phân biệt 4 chiều cạnh của quá trình thấu hiểu thực tế xã hội, đó là: 1- Bản thể luận (lẽ ra nên dịch là Thực tại luận), 2- Khoa học luận (lẽ ra nên dịch là Nhận thức luận), 3- Phương pháp luận, và 4- Các phương pháp. Họ đã đưa ra một thí dụ minh họa sau đây:

So sánh sự khác biệt giữa 2 quan điểm Lý thuyết về nguyên tử theo 3 chiều cạnh của quá trình thấu hiểu đặc trưng cơ bản của nguyên tử: 1- Chiều Bản thể luận (lẽ ra nên dịch là Thực tại luận): Một nguyên tử tồn tại. QĐ1- Trong không gian 4 chiều, nguyên tử tồn tại ở chiều thứ tư, người ta không thể trực quan được đối lập với QĐ2- Nguyên tử tồn tại trong không gian 3 chiều và do đó người ta có thể quan sát được; 2- Chiều Khoa học luận (lẽ ra nên dịch là Nhận thức luận): Tôi biết nó tồn tại. QĐ1- Bởi vì một người sáng suốt nói cho Tôi biết đối lập với QĐ2- Bởi vì Tôi thấy nó;3- Chiều Phương pháp luận: Tôi có thể là cho hợp lệ những gì Tôi biết về nguyên tử thông qua. QĐ1 – Cái nhìn qua quả cầu thủy tinh đối lập với QĐ2 – Thực nghiệm và Diễn dịch; 4- Chiều các phương pháp: Tôi phải sưu tập bằng cứ về các nguyên tử qua kỹ thuật. QĐ1- Tham gia càng nhiều vật trung gian càng tốt đối lập với QĐ2- Sưu tập càng nhiều bằng cứ định lượng càng tốt.

[4] “Khung lý thuyết” (Theoretical Framwork) là “Tiếp cận lý thuyết” (Theoretical Approach) theo ý nghĩa mà A. Giddens đã xác định (đó là quan điểm lý thuyết tổng quát, trừu tượng), cũng có thể quan niệm Khung lý thuyết là “Hệ thống lý thuyết” (Theoretical System). Khi đó, quan điểm của W. L. Neuman trong bảng 3 và 4 về Khung lý thuyết trong Xã hội học là không hợp lý; bởi vì Lý thuyết tương tác biểu trưng và Lý thuyết trao đổi thực chất là cùng một nhóm Lý thuyết, đó chính là nhóm Lý thuyết tác nhân và tương tác xã hội. Như vậy thực chất chỉ có 3 Khung lý thuyết trong XHH, đó là: 1- Lý thuyết chức năng – cấu trúc – ổn định xã hội, 2- Lý thuyết phê phán – xung đột – biến đổi xã hội và 3- Lý thuyết tác nhân – tương tác – ý nghĩa xã hội.

[5] Xem, Hồ Chí minh, 1996. Toàn tập, Tập VIII. Nxb CTQH. Hà nội. tr. 497.

[6] A. Einstein đã có lý khi cho rằng không có con đường logic nào dẫn dắt người ta đi từ Lý Thuyết nền tảng cũ đến Giả Thuyết nền tảng mới; bởi vì không có logic phát minh. Đúng như thế. Người ta có được Giả Thuyết nền tảng mới không dựa vào năng lực tư duy logic mà dựa vào những khả năng ngoài logic, phi logic, phản logic như niềm tin vào chân lý khách quan, viễn tưởng khoa học, trực giác (phỏng đoán hoặc/và đoán nhận trên cơ sở dữ liệu thực nghiệm mới mâu thuẫn với các nguyên lý của Lý Thuyết nền tảng cũ). Tuy nhiên, không có phát minh nào bất chấp mọi logic. Để có Giả Thuyết nền tảng mới tạo ra sự chuyển đổi cách mạng trong tư duy lý luận – khoa học người ta cũng cần được hướng dẫn bởi nhiều nguyên tắc gợi mở phát minh như: nguyên tắc tương ứng, nguyên tắc đơn giản hóa, nguyên tắc quan sát được, nguyên tắc kiểm tra được,…và khi triển khai Giả thuyết nền tảng để biến Nó thành Lý thuyết nền tảng thì người ta phải thao tác theo các lược đồ logic, trong đó quan trọng nhất là Lược đồ giả thuyết – diễn dịch.

[7] Xem, chẳng hạn: Gunter Endruweit (Chủ biên), 1999. Các lý thuyết xã hội học hiện đại. Nxb Thế giới. Hà nội. tr.27.